“Bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc cho ô tô, xe máy mua tại cây xăng toàn bán nguyên giá niêm yết. Em bán chiết khấu giá tốt: Bảo hiểm TNDS xe máy là 45.000 đồng/năm, 2 năm giá tốt. Các bác mua bảo hiểm ô tô em khuyến mại dịch vụ tư vấn hỗ trợ kỹ thuật đặc biệt cho dòng xe Toyota trong mùa mưa lũ này”.
“Hiện đang vào cao điểm kiểm tra việc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và kiểm tra các loại giấy tờ theo quy định như giấy đăng ký xe, bằng lái xe, bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới (xe máy: 2 năm phí giảm từ 152.000 đồng chỉ còn 80.000 đồng; 1 năm từ 76.000 đồng chỉ còn 40.000 đồng). Ngoài ra, em có cả bảo hiểm ô tô chiết khấu cao”.
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm thông tin rao bán bảo hiểm xe cơ giới trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo… Việc ngang nhiên khuyến mại bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới như trên không mới, Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhiều lần phản ánh nhưng đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Đầu tháng 7/2021, trên website của Grab, Momo, VNPT Pay, JetCare… cũng đăng bài giảm phí bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới của một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Trước thực trạng này, ngày 19/7/2021, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nêu hiện tượng vi phạm giá bán sản phẩm này.
Cơ quan này nhấn mạnh, theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 – Nghị định số 03/2021 về bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, doanh nghiệp bảo hiểm triển khai bán sản phẩm theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm đã được Nhà nước ấn định, nếu vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40- 50 triệu đồng.
Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải hạch toán tách biệt doanh thu phí bảo hiểm, hoa hồng, bồi thường và các khoản chi phí liên quan đến bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới; không được chi khuyến mại và chiết khấu thanh toán dưới mọi hình thức.
Ghi nhận từ các đại lý bảo hiểm cho thấy, lý do giảm giá là để dễ bán, nhưng thực tế, sức ép doanh số mới là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chạy đua giảm giá. Ngoài ra, đây là sản phẩm đơn giản, lâu nay được xem là “bán giấy lấy tiền” (do ít người làm thủ tục đòi chi trả bảo hiểm) nên thường chiết khấu cao cho khách hàng, có nơi lên tới 50% giá gốc.
Theo Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam, tình trạng đăng tin khuyến mại bảo hiểm ô tô, xe máy, sức khoẻ… diễn ra phổ biến ở nhiều trang mạng xã hội, nhưng vì phần lớn bên rao bán lấy tên giả, nick ảo nên công tác kiểm tra, xử phạt gặp nhiều khó khăn.
“Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là không thể làm được, vấn đề là cơ quan quản lý có quyết tâm làm hay không, bởi bên rao bán vẫn phải để lại số điện thoại liên hệ và sản phẩm của công ty bảo hiểm”, luật sư Đỗ Hồng Sơn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho hay.
Ngoài ra, theo ông Sơn, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 và một số nghị định hướng dẫn thi hành vẫn chưa quy định cụ thể cũng như có cơ chế giám sát chặt chẽ mô hình này, chưa quy định người bán hàng qua app của đại lý tổ chức có cần phải được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm hay không khi hiện nay các đại lý tổ chức đang sử dụng một đối tượng là “cộng tác viên” (người giới thiệu) bán hàng. Đối tượng này cũng được cấp một mã số để đăng nhập vào phần mềm bán hàng, cũng giới thiệu và chào bán sản phẩm, nhưng không có chứng chỉ đại lý theo quy định. Doanh thu của “cộng tác viên” được đứng tên bởi một đại lý có chứng chỉ.
“Với cách làm này, các đại lý tổ chức đã ‘lách’ được quy định phải có chứng chỉ đại lý mới được bán bảo hiểm, chưa kể một người có thể bán được nhiều sản phẩm của nhiều doanh nghiệp khác nhau, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của đại lý chân chính cũng như khách hàng, bởi người bán chỉ chú trọng đến việc bán được sản phẩm, còn việc tư vấn khách hàng hầu như bị bỏ quên. Do đó, cần có quy định cụ thể về quy trình bán bảo hiểm online và cách thức kiểm tra quá trình tư vấn cho khách hàng, nhất là khi bán hàng trực tuyến đang là xu thế, đặc biệt với các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua”, ông Sơn nêu quan điểm.
Nguồn trích dẫn từ https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/van-loan-khuyen-mai-bao-hiem-xe-post300040.html