Nguồn nhân lực cho ngành bảo hiểm: Nhiều thách thức!

Theo sự cảnh báo của các chuyên gia, nguồn nhân lực đang là một trong những điểm yếu của ngành bảo hiểm Việt Nam. Trong tổng số 1.000 sinh viên chuyên ngành tài chính phía Nam ra trường hàng năm chỉ có khoảng 1/3 có khả thích ứng ngay với công việc Báo cáo thống kê của Chương trình nghiên cứu khả năng cạnh tranh và tác động của tự do hóa thương mại dịch vụ tại Việt Nam đã cho thấy, do các đặc thù nghề nghiệp, sự liên kết giữa đào tạo và thị trường là yếu tố hết sức quan trọng trong giáo dục nghiệp vụ bảo hiểm.

bao-hiem-trach-nhiem-nghe-nghiep

Tuy nhiên trên thực tế thì việc đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm tại các trường đại học nhìn chung vẫn xa rời thực tế. Lý do dẫn đến tình trạng này là bởi bảo hiểm mặc dù tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu song hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế thị trường mới chỉ bắt đầu từ sau năm 1993.

Do đó, mặc dù ngành giáo dục, đào tạo của Việt Nam cũng đã rất nỗ lực để cung cấp nguồn lực phục vụ cho sự phát triển của ngành, song mức độ đáp ứng mới chỉ dừng ở mức trung bình.Nhìn vào chất lượng đào tạo cũng dễ nhận thấy khoảng cách tương đối lớn giữa kiến thức sinh viên được học ở trường đại học và công việc thực tế khi đi làm. Theo đánh giá của nhiều DN trong ngành bảo hiểm, tại các trường đại học chương trình đào tạo vẫn chưa bám sát nhu cầu của ngành, còn rất nặng các môn học về bảo hiểm bắt buộc trong khi nhu cầu về kiến thức về bảo hiểm thương mại rất nhiều. Nhu cầu nhân lực tài chính được đào tạo bài bản, có trình độ tối thiểu là đại học cộng thêm kinh nghiệm thực tiễn, có khả năng phân tích tài chính thực thụ, lại quá nhỏ. Trong tổng số 1.000 sinh viên chuyên ngành tài chính phía Nam ra trường hàng năm chỉ có khoảng 1/3 có khả thích ứng ngay với công việc. 

Bên cạnh chất lượng đào tạo còn yếu thì số lượng đào tạo cũng rơi vào tình trạng thiếu hụt. Hoạt động đào tạo chính quy và chuyên sâu về bảo hiểm thương mại được thực hiện tại một số trường đại học và học viện có đào tạo về tài chính với khả năng đào tạo khoảng 300-400 người/năm như: Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Học viện Tài chính. Riêng ở TP.HCM, những địa chỉ đào tạo cung ứng nguồn nhân lực chuyên ngành tài chính – ngân hàng chỉ tập trung ở Trường đại học Kinh tế, Đại học Ngân hàng và mới đây có thêm Trường Quản lý Pháp Việt (CFVG), khoa kinh tế Đại học Quốc gia TP.HCM và một số bộ môn của khoa quản trị kinh doanh thuộc các trường dân lập nhưng số lượng không nhiều. Mặt khác, một trong những khó khăn làm đau đầu các lãnh đạo DN bảo hiểm trong nước là tình trạng “chảy máu chất xám”. Chế độ đài thọ đối với người lao động tại các công ty nước ngoài thường cao hơn so với công ty trong nước. Do đó, không có gì là khó lý giải khi các công ty nước ngoài đang ngày càng lôi kéo được nguồn nhân lực có chất lượng cao từ thị trường nhân lực.Trước tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường tài chính nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng thì cơn sốt nguồn nhân lực ngành nghề đặc thù này càng gay gắt hơn. Theo Ths. Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học kinh tế ứng dụng TP.HCM, sự khan hiếm nguồn nhân lực tài chính đã được cảnh báo từ nhiều năm trước và sự thiếu hụt này ngày càng lớn do nhu cầu đã tăng quá nhanh nhưng cung chuyển động không đáng kể. Vì thế giải pháp trước mắt là phải tăng hơn nữa quy mô đào tạo. Trong năm 2007, một trung tâm đào tạo bảo hiểm Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động. Đây sẽ là một trung tâm đào tạo cán bộ bảo hiểm chuyên nghiệp, góp phần đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực nguồn nhân lực cho thị trường bảo hiểm. Đặc biệt kể từ năm 2007, Tập đoàn Tài chính – Bảo hiểm Bảo Việt sẽ trở thành nhà tài trợ độc quyền cho chương trình Thủ khoa Việt Nam.

Đây là một chương trình mang nhiều ý nghĩa tôn vinh truyền thống hiếu học, đồng thời chú trọng đến việc chào đón các thủ khoa có nguyện vọng vào làm việc tại các đơn vị của ngành bảo hiểm. 

Nguồn trích dẫn từ https://webbaohiem.net/ngun-nhan-lc-cho-nganh-bo-him-nhiu-thach-thc.html