Nghiên cứu và trao đổi – Bài 2: Xu hướng phát triển của các Doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đến năm 2020
Căn cứ tình hình thực tế hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Căn cứ chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng, chiến lược của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Qua phân tích các chính sách phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cũng như các quy định của Bộ Tài chính liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chúng ta có thể nhận định xu hướng phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đến năm 2020 như sau:
Xu hướng chung của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong thời gian tới đây là chú trọng đến hiệu quả kinh doanh hơn là tăng cường mở rộng địa bàn hoạt động như trước đây. Trong lộ trình phát triển mở rộng địa bàn, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ rất “cẩn trọng” và quan tâm chú trọng đến hiệu quả kinh doanh, chứ không “giải mành mành” như trước đây.
Các DNBH phi nhân thọ sẽ thực hiện “chiến lược kinh doanh hiệu quả” để phát triển bền vững. Bằng việc đổi mới mô hình tổ chức quản lý, chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, phát triển các kênh phân phối sản phẩm mới… các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tập trung tiết giản chi quản lý kinh doanh, tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý khai thác, giám định bồi thường nhằm kiểm soát chặt chẽ và giảm tỷ lệ bồi thường, từ đó từng bước cải thiện tình hình kinh doanh bảo hiểm gốc và“tìm kiếm” lợi nhuận từ lĩnh vực này.
Những năm tới đây, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tập trung vào phân khúc bán lẻ với các nghiệp vụ bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người học sinh, du lịch, bảo hiểm hỏa hoạn, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm xây dựng công trình. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nhỏ thì trình độ nghiệp vụ cũng như thị phần đối với bảo hiểm hỏa hoạn và bảo hiểm xây dựng công trình còn rất khiêm tốn.
Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tập trung mạnh vào phát triển các đại lý tổ chức như các cơ sở đăng kiểm, các cơ sở sản xuất, phân phối ô tô, xe máy. Đặc biệt kênh phân phối sản phẩm qua các ngân hàng thương mại (Bancassurace)là một trong những mục tiêu hàng đầu, mục tiêu chiến lược của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Xu hướng trong những năm tới rất có thể kênh phân phối Bancassurace thực sự là kênh bán chéo sản phẩm của các doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng thương mại, vì trên thực tế hiện nay đã có một số cán bộ bảo hiểm thực hiện công việc huy động tiền gửi cho các ngân hàng thương mại. Và giường như vì thế mà quan hệ giữa các doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại trở lên gắn bó, chặt chẽ, bền vững hơn, hiệu quả hơn bởi yếu tố “có đi, có lại”.
Năm 2015 đến 2016 các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam sẽ tích cực triển khai để hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về quản lý khách hàng, quản lý đối tượng được bảo hiểm, quản lý đại lý, giám định bồi thường kết nối với hệ thống phần mềm kế toán nhằm tăng cường công tác quản lý, đồng thời đáp ứng được yêu cầu tuân thủ các quy định của Bộ Tài chính, trong đó có các yêu cầu, điều kiện đạt chuẩn quốc tếdo Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế – IAIS ban hành.
Để cải thiện tình hình hiệu quả hoạt động đầu tư tài chínhtrong bối cảnh cơ cấu đầu tư tiền gửi ngân hàng chiếm trên 70% và lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm dần, các doanh nghiệp bảo hiểm chắc chắn phải cơ cấu lại danh mục và tỷ lệ vốn đầu tư của các danh mục đó nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư tài chính. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam hiện nay là tiền gửi ngân hàng, mua cổ phiếu, trái phiếu, góp vốn kinh doanh và đầu tư bất động sản. Theo dự báo trong thời gian tới lãi suất tiền gửi có xu hướng giảm, cũng vì thế mà lãi suất trái phiếu khó có thể cao.Còn đối với cổ phiếu rất khó có thể đoán định trong thời gian từ nay đến 2020, song trong vòng một đến hai năm tới tình hình cũng không thể có những thay đổi lớn so với hiện nay. Vì vậy danh mục đầu tư này cũng không phải là lựa chon hay xu hướng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ từ nay đến 2020.
Như vậy, phân tích trên cho thấy, để tăng hiệu quả đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có thể lựa chọn danh mục góp vốn kinh doanh hoặc đầu tư bất động sản, trong điều kiện nền kinh tế đang có dấu hiệu tích cực, thị trường bất động sản đang hồi phục sau thời gian “trầm lắng”. Tuy nhiên hai danh mục này cũng bị hạn chế bởi quy định tỷ lệ tối đa của cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm . Hơn thế nữa trình độ năng lực đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam còn nhiều hạn chế nên cũng “chẳng mấy” đảm bảo rằng hiệu quả đầu tư sẽ tăng cao. Vì vậy, trong một vài năm tới cơ cấu vốn đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn chỉ là tiền gửi ngân hàng và mua trái phiếu chính phủ – Những kênh đầu tư được coi là an toàn, nhưng hiệu quả thấp.
Trên đây là dự báo xu hướng phát triển của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ từ nay đến 2020. Tùy từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể, khả năng và vị thế của từng doanh nghiệp bảo hiểm mà trong kế hoạch, hay sách lược có thể tùy cơ ứng biến, song nhìn chung về tổng thể những xu hướng trên là rất khả thi và phù hợp với tình hình thưc tế và chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam đến năm 2020./
TS.Đinh Công Hiệp