Bảo hiểm phi nhân thọ lấy lại tăng trưởng hai con số.

(ĐTCK) Khối bảo hiểm phi nhân thọ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm 2022, song tỷ lệ bồi thường dự báo cũng tăng lên.

cac-cong-ty-bao-hiem-phi-nhan-tho-2

Doanh thu tăng trưởng 2 con số

Số liệu tổng hợp của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam từ ước tính của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm của khối này ước đạt 33.252 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Như vậy, khối bảo hiểm phi nhân thọ đã lấy lại đà tăng trưởng hai con số của giai đoạn trước đại dịch (2019), khá ấn tượng so với con số tăng trưởng doanh thu phí đầy 4% của khối này trong năm 2021.

Hòa chung với tốc độ tăng trưởng tích cực của cả thị trường, Tổng công ty Bảo hiểm PJICO báo cáo doanh thu phí bảo hiểm gốc 6 tháng đạt 1.877,6 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ 2021, hoàn thành 51% kế hoạch cả năm được Hội đồng quản trị đề ra.

Doanh thu của các nghiệp vụ bảo hiểm quan trọng và là thế mạnh của PJICO đều đạt hơn 50% mục tiêu cả năm. Cụ thể, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới đạt gần 754,5 tỷ đồng, hoàn thành 51,6% kế hoạch năm và tăng trưởng 5,1% so với cùng kỳ 2021.

Doanh thu nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải đạt 388,1 tỷ đồng, hoàn thành 66,7% kế hoạch năm và tăng trưởng 36,7% so với cùng kỳ.

Doanh thu nghiệp vụ cháy nổ, tài sản, hỗn hợp và hàng không đạt 511,73 tỷ đồng, hoàn thành 54,3% kế hoạch cả năm và tăng trưởng 16,6% so với cùng kỳ.

Cùng với đà tăng trưởng tích cực của doanh thu, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp ước đạt 150,7 tỷ đồng, hoàn thành 60,3% kế hoạch cả năm.

Trong khi đó, Bảo hiểm PTI công bố mức doanh thu 3.405 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ 2021. Với con số này, Công ty đã hoàn thành 55% kế hoạch doanh thu cả năm.

Hai sản phẩm bán lẻ nòng cốt của PTI là bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm con người lần lượt tăng trưởng ở mức 13% và 17%.

Bảo hiểm Bảo Minh cũng vừa sơ kết công tác kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022. Theo đó, kết thúc nửa đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm của hãng đạt 2.832,2 tỷ đồng, tăng trưởng 14,54% so với cùng kỳ.

Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 2.538,3 tỷ đồng, tăng trưởng 14,89%; doanh thu nhận tái bảo hiểm (bao gồm doanh thu nhận tái P&I) đạt 293,96 tỷ đồng, tăng trưởng 11,58%. Lợi nhuận trước thuế 6 tháng dự kiến đạt 171,4 tỷ đồng, đạt 50,42% kế hoạch cả năm và tăng nhẹ so với cùng kỳ.

Một số công ty bảo hiểm dù chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2022 nhưng cũng dự kiến tăng trưởng doanh thu trên 10%, thậm chí có doanh nghiệp tăng tới 30%.

Lo ngại xu hướng bồi thường tăng

Theo nhận định của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đà tăng trưởng doanh thu phí của khối phi nhân thọ dự kiến sẽ được duy trì trong các tháng còn lại của năm 2022 khi các hoạt động sản xuất – kinh doanh được khôi phục trở lại cùng với nhiều “trợ lực” chính sách.

Chẳng hạn, chính sách giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ tháng 12/2021 và kéo dài trong 6 tháng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán xe và phí bảo hiểm xe cơ giới.

Hay Nghị định 97/2021/NĐ-CP về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được kỳ vọng sẽ gián tiếp khuyến khích nhu cầu mua bảo hiểm cháy nổ; Nghị định số 20/2022 NĐ-CP về bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng bổ sung quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba, tạo cơ sở tăng trưởng doanh thu cho bảo hiểm trách nhiệm…).

Nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe vốn có xu thế tăng trưởng nhanh hơn các nhóm nghiệp vụ khác trong những năm gần đây, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã tăng trưởng rất mạnh trong nửa đầu năm nay.

Theo số liệu ước tính của các doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2022, nghiệp vụ này đứng đầu về doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ, với tỷ trọng 31,2% (10.388 tỷ đồng), tăng 20,5% so với cùng kỳ. Điều này chứng tỏ các sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe ngày càng được người dân quan tâm. Tiếp đến là bảo hiểm xe cơ giới, với tỷ trọng 28% (9.312 tỷ đồng), tăng 9,2% so với cùng kỳ…

Một số mảng nghiệp vụ được hưởng lợi tạm thời từ các quy định, chính sách của Chính phủ nhằm kích thích nền kinh tế.

Cụ thể, về mảng bảo hiểm xe cơ giới, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1/12/2021 đến 31/5/2022 là động lực giúp doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm. Tính đến hết tháng 5/2022, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước tăng 47%, trong khi xe nhập khẩu tăng 29% so với cùng kỳ 2021.

Bảo hiểm sức khỏe nghiệp vụ bảo hiểm quan trọng mang lại phần lớn doanh thu phí cho các doanh nghiệp bảo hiểm đang tăng trưởng mạnh trở lại là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, quản trị rủi ro và ngăn ngừa gian lận bảo hiểm trong bảo hiểm sức khỏe là vấn đề các doanh nghiệp bảo hiểm cần đặc biệt lưu ý.

Ngoài ra, khi doanh thu tăng trưởng trở lại thì tỷ lệ bồi thường nghiệp vụ bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt các nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm con người cũng có xu hướng tăng mạnh so với năm 2021 khi người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Trong báo cáo giải trình về mức lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh trong quý I/2022 chỉ còn gần 35 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ, PTI cho biết, nguyên nhân chính là chi phí bồi thường tăng so với năm trước.

Thực tế, đối với bảo hiểm sức khỏe và con người, dù đang bán rất tốt nhưng tại một số doanh nghiệp bảo hiểm, doanh thu các sản phẩm này lại đang giảm mạnh do doanh nghiệp chủ động dừng hợp tác với các đối tác yêu cầu cơ chế chi phí cao và từ chối chào phí cạnh tranh phi kỹ thuật…

Xu hướng bồi thường sẽ tăng cao hơn nhiều so với năm qua cũng đã được dự báo trước. Theo SSI Research, việc hưởng lợi từ tỷ lệ bồi thường thấp do người được bảo hiểm hoãn nộp các yêu cầu bồi thường trong giai đoạn giãn cách xã hội sẽ khó có thể lặp lại trong năm 2022. Do đó, tỷ lệ bồi thường dự báo quay về mức bình thường hoặc thậm chí cao hơn so với mức bình quân trong các năm.

Trích nguồn dẫn từ https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/bao-hiem-phi-nhan-tho-lay-lai-tang-truong-hai-con-so-post302295.html