Nghiên cứu và trao đổi – Bài 1: Cơ hội và thách thức của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong thời gian tới

Trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm (TTBH) phi nhân thọ Việt Nam tăng trưởng chậm lại so với thời kỳ trước đó. Nếu như năm 2011 doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng 20,41% thì đến 2012 chỉ tăng 11,18% và năm 2013 con số này giảm xuống còn 7,31%. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay TTBH phi nhân thọ đã và đang có dấu hiệu hồi phục lại đà tăng trưởng, mặc dù dư âm của cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu cũng như tình hình nợ công ở Châu Âu còn ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và TTBH phi nhân thọ Việt Nam nói riêng. Cụ thể năm 2014 doanh thu phí BH tăng 11,2% so với 2013. Bước sang năm 2015, tình hình kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục có những tín hiệu tích cực. Ước doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đến hết tháng 9/2015 tăng trưởng khoảng 12,26% so với cùng kỳ. (Số liệu từ Cục quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính).

Vậy, những năm tới đây TTBH phi nhân thọ Việt Nam có những triển vọng, những cơ hội thách thức nào? Bài viết này sẽ đánh giá, phân tích, bàn luận về những vấn đề đó.

1.Những cơ hộicủa thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam

1.1. Về kinh tế xã hội

Từ năm 2014 đến nay, bức tranh kinh tế thế giới đã trở nên sáng sủa hơn. Sự phục hồi của phần lớn các nền kinh tế “dẫn dắt” đà tăng trưởng kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật, EU và các nền kinh tế mới nổi là cơ sở để năm 2015 kinh tế thế giới phục hồi khá. IMF cũng đã dự báo năm 2015 kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,9% và giai đoạn 2016-2018, mức tăng trưởng sẽ đạt trên 4%/năm.

Đối với Việt Nam: Đã có nhiều nhận định, dự báo tăng trưởng kinh tế khá lạc quan như: ADB đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2015 từ 6.1% lên 6.5% và nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2016 từ 6.2% lên 6.6%.ANZ thì nhận định kinh tế Việt Nam đã qua thời kỳ “chạm đáy” và đang phục hồi trong giai đoạn 2015-2016.Việt Nam đang ngày càng nổi lên và trở thành nền kinh tế hấp dẫn nhất Đông Nam Á.Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thì cho rằng nền kinh tế nước ta đang có đà phục hồi rõ nét trong bối cảnh các cân đối vĩ mô được duy trì, tạo nền tảng cho thời gian tới bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh và bền vững.

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong số 14 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đề ra năm 2015 tại Nghị quyết Quốc hội, dự kiến có 13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, chỉ có chỉ tiêu che phủ rừng là không đạt kế hoạch. Năm 2015, TTBH phi nhân thọ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Dự kiến năm 2016, các dự án lớn được giải ngân, đầu tư nước ngoài gia tăng… sẽ là những cơ hội tốt cho sự phục hồi của thị trường. Đó là cơ sở, điều kiện để TTBH phi nhân thọ phát triển.

Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại quốc tế, gia nhập WTO. Gần đây nhất, tháng 10/2015, tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc thành công với 12 nước tham gia trong đó có Việt Nam. Lãnh đạo Bộ Công thương nhận định: Việc tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Trong điều kiện kinh tế thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 33,5 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD năm 2025. Trên phương diện này, Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất trong các nước tham gia TPP.

Việc thành lập một thị trường chung cho Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối năm 2015 ngay lập tức sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp của các nước thành viên với nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường. Riêng đối với bảo hiểm xe ô tô (Nghiệp vụ chiếm tỷ trọng doanh thu lớn) sẽ có nhiều triển vọng phát triển bởi lượng xe hơi nhập khẩu từ ASEAN (sản xuất từ các nhà đầu tư nước ngoài tại các nước ASEAN) có thuế suất ưu đãi hơn và dự báo sẽ tiêu thụ mạnh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tình hình chính trị xã hội ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng, trình độ dân trí về bảo hiểm ngày một nâng lên. Theo số liệu từ Cục quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, phí bảo hiểm bình quân đầu người không ngừng tăng qua các năm: Nếu năm 2005, phí bảo hiểm phi nhân thọ bình quân đầu người chỉ là 66.060đ/người/năm thì đến năm 2010 đã đạt 249.030đ/người/năm. Năm 2012 phí bảo hiểm phi nhân thọ bình quân đầu người là 312.626đ/người/năm và đến 2014 con số này đã tăng lên 366.853 đ/người/năm.

Tiềm năng của TTBH phi nhân thọ còn rất lớn, nhiều nghiệp vụ bảo hiểm còn chưa khai thác được, trong đó có cả một số loại hình bảo hiểm bắt buộc mà Nhà nước đã quy định.

Những yếu tố đó không chỉ là triển vọng khá sáng sủa cho sự phát triển TTBH phi nhân thọ trong nước mà còn là điều kiện, cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ Việt Nam hội nhập thành công và vươn ra TTBH phi nhân thọ khu vực và quốc tế.

1.2.Về hành lang pháp lý cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Cùng với việc tăng cường quản lý giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện, cơ hội kinh doanh.và hỗ trợ cho các DNBH phát triển. Đồng thời tiến tới thực hiện các chuẩn mực quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để TTBH hội nhập và phát triển bền vững.

Cụ thể sẽ xây dựng Nghị định về chính sách bảo hiểm đối với hoạt động đầu tư xây dựng như bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp tư vấn đầu tư xây dựng, bảo hiểm trách nhiệm của chủ đầu tư các công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng động, đến môi trường, bảo hiểm trách nhiệm cho người lao động (Quy định quy tắc điều khoản, biểu phí, số tiền bảo hiểm tối thiểu của sản phẩm này). Bộ Tài chính sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung Nghị định 45/2007/NĐ-CP và Nghị định 46/2007/NĐ-CP, tập trung vào các vấn đề đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ, giúp đỡ, thúc đẩy DNBH tăng trưởng hiệu quả; tăng cường quản trị doanh nghiệp, đảm bảo minh bạch và an toàn tài chính….

Bộ tài chính cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự (Bổ sung quy định xử lý hình sự đối với tội danh trục lợi bảo hiểm (bỏ chương hợp đồng bảo hiểm). trong Bộ luật Hình. Phối hợp với Bộ Công an để sửa đổi, bổ sung các chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới theo hướng nâng cao mức trách nhiệm bảo hiểm, xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho DNBH tiếp cận hiện trường xảy ra tổn thất. Ký kết thông tư liên ngành với Bộ Y tế để tạo điều kiện cho các DNBH tiếp cận, sao chép hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm đã và đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, tổng kết và hoàn thiện các chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm thủy sản, chính sách bảo hiểm vi mô…Tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách bảo hiểm năng lượng nguyên tử, bảo hiểm thiên tai…Đây là một trong những cơ hội tốt để các DNBH phi nhân thọ không ngừng phát triển sản phẩm bảo hiểm mới, mở rộng địa bàn hoạt động kinh doanh.

2. Những khó khăn, thách thức của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam

Năm 2015 nguồn nhân lực cho bảo hiểm phi nhân thọ là gần 180.000 người (bao gồm cả Đại lý bảo hiểm). Đến 2020 nếu theo lộ trình của chiến lược phát triển TTBH Việt Nam thì dự kiến về nhân sự cho bảo hiểm phi nhân thọ sẽ tăng gấp đôi. Nếu xét về số lượng thi chưa phải là những khó khăn, thách thức, tuy nhiên về chất lượng thì lại là vấn đề nan giải, đặc biệt là nhân sự cấp cao và nguồn nhân lực cho hoạt động đầu tư, tái bảo hiểm. Trên thực tế hiện nay, năng lực nhân sự về hoạt động đầu tư của các DNBH phi nhân thọ còn hạn chế. Đặc biệt nhân sự cấp cao đủ tiêu chuẩn theo quy định tại ICP5 – Sự phù hợp về nhân sự (Suitibility ofPerson) còn rất thiếu (Người quản trị, điều hành, người đứng đầu các bộ phận nghiệp vụ…). Vì vậy một sô DNBH phi nhân thọ vẫn phải tuyển dụng và bổ nhiệm những nhân sự cấp cao chưa đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định này. Với những lý do đó, có thể dự báo những năm tới đây sẽ có sự cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân sự cấp cao giữa các DNBH phi nhân thọ. Điều đó là một trong những thách thức đối với các DNBH phi nhân thọ.

Về năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, trình độ công nghệ… của các DNBH phi nhân thọ tuy đã có cải thiện đáng kể, song để tiếp cận và tiến tới đạt chuẩn quốc tế (theo Bộ chuẩn mực do Hiệp hội các nhà quản lý bảo hiểm quốc tế – IAIS ), đồng thời để cạnh tranh với các DNBH nước ngoài khi mà TTBH đã hoàn toàn hội nhập thì đang còn là vấn đề khó khăn thách thức, nhất là đối với những DNBH phi nhân thọ vừa và nhỏ.

Ở TTBH phi nhân thọ Việt Nam hiện nay, nếu “may mắn” thì kinh doanh bảo hiểm gốc mới không lỗ bởi chi phí kinh doanh ngày một tăng, tỷ lệ bồi thường không hề nhỏ đặc biệt là các nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ trọng doanh thu lớn như bảo hiểm vật chất xe ô tô… Vậy các DNBH phi nhân thọ chỉ còn trông chờ vào lợi nhuận đầu tư tài chính. Theo thống kê của Cục quản lý giám sát Bảo hiểm – Bộ Tài chính trong cơ cấu vốn đầu tư của các DNBH phi nhân thọ thì có đến trên 70% nguồn vốn là tiền gửi ngân hàng (tuy an toàn nhưng hiệu quả thấp) và lợi nhuận từ tiền gửi chiếm khoảng 80% tổng lợi nhuận đầu tư. Tuy nhiên, năm 2015 và những năm tới đây lãi suất ngân hàng có xu hướng giảm (Mặc dù nền kinh tế đang phục hồi, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế tăng lên, nhu cầu về vốn tăng… khiến áp lực lãi suất có thể tăng. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi đang ở mức cao hơn nhiều so với lạm phát vì vậy lãi suất vẫn có thể giảm thêm nếu điều hành kinh tế vĩ mô tốt). Như vậy lãi suất tiền gửi giảm cũng là một trong những thách thức đối với kết quả kinh doanh của các DNBH phi nhân thọ Việt Nam bởi lợi nhuận sẽ giảm đáng kể. Bài toán về lợi nhuận của các DNBH phi nhân thọ Việt Nam trong những năm tới là tăng cường quản lý, tiết giảm chi phí và giảm tỷ lệ bồi thường, đồng thời thay đổi cơ cấu các danh mục đầu tư theo xu hướng giảm cơ cấu tiền gửi ngân hàng và tăng cơ cấu các danh mục đầu tư khác hiệu quả hơn (Tuy nhiên lại phải tuân thủ các quy định của Bộ Tài chính về tỷ lệ cơ cấu các danh mục đầu tư). Điều này không phải dễ dàng khi trình độ đầu tư cũng như nhân sự trong lĩnh vực này của các DNBH phi nhân thọ Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, bất cập nhất là đối với những DNBH phi nhân thọ vừa và nhỏ.

Bên cạnh đầu tư tiền gửi ngân hàng, các DNBH phi nhân thọ Việt Nam cũng dành tỷ lệ khá lớn trong phần còn lại để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, góp vốn… Tuy nhiên trong những năm qua giá chứng khoản liên tục giảm, vì vậy các DNBH phi nhân thọ đã phải trích lập các khoản lớn để dự phòng, điều này cũng làm giảm sút lợi nhuận tài chính.

Như vậy, TTBH phi nhân thọ Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 có rất nhiều cơ hội, có triển vọng khá sáng sủa, bên cạnh đó cũng có không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, các DNBH phi nhân thọ Việt Nam cần nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ, chính xác những cơ hội đó, đồng thời chủ động, tích cực không ngừng nâng cao năng lực về mọi mặt, nhằm hóa giải thành công mọi khó khăn thách thức để chiếm lĩnh, mở rộng thị trường phát triển một cách đột phá và vững chắc./.

TS.Đinh Công Hiệp