Bồi thường bảo hiểm hết “đẹp như mơ”.
(ĐTCK) Sau hơn 1 năm giảm xuống tỷ lệ “đẹp như mơ”, bồi thường bảo hiểm của khối phi nhân thọ bắt đầu tăng dần. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ bồi thường chung của toàn khối cao gần bằng tỷ lệ bồi thường cả năm 2021.
Nghiệp vụ bồi thường cao lại có tên bảo hiểm cơ giới và sức khỏe
Trong 3 nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc tăng cao nhất 9 tháng đầu năm 2022, bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe lại tiếp tục được “xướng tên”. Tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới trong 9 tháng tăng lên gần 50%, bồi thường bảo hiểm sức khỏe tăng lên hơn 30%. Đây là hai nghiệp vụ có tỷ trọng đóng góp vào tổng doanh thu cao nhất trong các nghiệp vụ chính, vì vậy, khi tỷ lệ bồi thường tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu lợi nhuận.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu năm 2022 khoảng 15.954 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 32%, cao hơn kỳ năm 2021 (30,1%). Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là bảo hiểm xe cơ giới (47%), bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (37,1%), bảo hiểm sức khỏe (31%).
Được biết, cả năm 2021, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ khoảng 19.355 tỷ đồng (chưa bao gồm dự phòng bồi thường), tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc là 33,4%, thấp hơn kỳ năm 2020 (37,2%). Những nghiệp vụ bảo hiểm có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao là bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu (74,2%), bảo hiểm hàng không (46,1%), bảo hiểm xe cơ giới (45%).
Trong năm 2021, có 21 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc thấp hơn tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc chung của thị trường; 9 doanh nghiệp còn lại có tỷ lệ bồi thường bảo hiểm gốc cao hơn tỷ lệ bồi thường chung của thị trường.
Qua giai đoạn giãn cách, tỷ lệ bồi thường của các nghiệp vụ tăng trưởng nóng trước đó như bảo hiểm xe và bảo hiểm con người đã quay về tỷ lệ bồi thường cũ.
Bảo hiểm xe cơ giới là một trong ba nghiệp vụ có tỷ lệ bồi thường cao, tỷ lệ bồi thường gần chạm mốc 50%, nhưng không khiến doanh nghiệp lo ngại bằng bồi thường bảo hiểm con người, bao gồm bảo hiểm sức khỏe.
Theo chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm có thị phần đứng đầu thị trường, tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, số lượng hồ sơ yêu cầu chi trả bồi thường bảo hiểm sức khỏe đã tăng 200%, phần lớn đều liên quan đến các chi phí nằm viện chữa bệnh (bao gồm chi phí chữa trị Covid-19).
Đáng lưu ý, nhiều hồ sơ yêu cầu chi trả bồi thường bị sai so với quy định điều trị dịch bệnh của Bộ Y tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm khi thực hiện chi trả.
Bắt đầu từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, kéo theo nhu cầu mua bảo hiểm của người dân tăng đột biến. Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã nhanh chóng đưa ra thị trường các sản phẩm, gói ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn khi mắc Covid-19. Theo đó, tỷ bồi thường của một số doanh nghiệp tăng đột biến do chi trả cho gói bảo hiểm này. Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) là một ví dụ.
Theo báo cáo tài chính, PTI lỗ 197 tỷ đồng trong quý III/2022, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 lỗ 349 tỷ đồng. Tổng công ty giải trình, nguyên nhân chính dẫn tới thua lỗ là do phát sinh chi phí liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” (bảo hiểm bệnh Covid-19). Dịch bệnh bùng phát mạnh nên số tiền PTI chi trả lớn hơn nhiều số phí thu được. Tổng chi bồi thường bảo hiểm 9 tháng đầu năm 2022 tăng hơn 377 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Không còn điều kiện thuận lợi
Năm 2022, tỷ lệ bồi thường sẽ tăng đã được các doanh nghiệp bảo dự tính trước khi thị trường bước vào tình trạng bình thường mới, các hoạt động kinh doanh bảo hiểm không còn được hưởng điều kiện thuận lợi như năm 2021. “Điều kiện thuận lợi” là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các phương tiện giao thông ít lưu thông, số vụ tai nạn giảm mạnh, dẫn đến chi phí bồi thường giảm; khách hàng cũng ít đi khám sức khỏe hơn, giúp việc chi trả bảo hiểm con người cũng giảm.
Khi điều kiện thuận lợi để giảm chi bồi thường không còn, ngoài việc phải chấp nhận tỷ lệ bồi thường tăng trở lại theo điều kiện kinh tế – xã hội bình thường, các doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm soát chi phí khai thác hoạt động và bồi thường, đặc biệt là kiểm soát chi phí bồi thường của các nghiệp vụ có tỷ lệ doanh thu cao trên tổng doanh thu.
“Những nghiệp vụ bảo hiểm chiếm 5% doanh thu mà bồi thường 50 – 60% thì cũng không đáng lo ngại so với những nghiệp vụ bảo hiểm có doanh thu cao mà tỷ lệ bồi thường cũng tăng cao. Tỷ lệ bồi thường nói chung nếu giữ được ở khoảng 40% là ổn, nhưng ở từng công ty bảo hiểm, tỷ lệ bồi thường được kiểm soát mà chi phí hoạt động cao thì vẫn có thể lỗ”, đại diện một công ty bảo hiểm nói.
Theo vị đại diện công ty bảo hiểm, chi phí hoạt động khai thác bảo hiểm thông thường phải kiểm soát, chứ không thể khống chế được ở một mức cố định. Chi phí này nếu kiểm soát được tương đương với mức tỷ lệ bồi thường 40% hoặc 50% là con số mơ ước. Tuy nhiên, thực tế chi phí hoạt động khai thác bảo hiểm ở một số nghiệp vụ có khi lên đến gần 100%. Đây là lý do lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm rất khó, lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu vẫn đến từ hoạt động đầu tư.
Trình từ nguồn https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/boi-thuong-bao-hiem-het-dep-nhu-mo-post309894.html
“Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 49.792 tỷ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2021 (chưa bao gồm Bảo hiểm OPES). Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 13.040 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 26,2%; bồi thường 6.126 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 47%. Trong đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt doanh thu 3.221 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,5 % và tăng 14,6% so với cùng kỳ; bồi thường 562 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 17,4%. Bảo hiểm xe cơ giới tự nguyện đạt doanh thu 9.819 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,7% và tăng 18% so với cùng kỳ; bồi thường 5.564 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 56,7%. Bảo hiểm sức khỏe đạt doanh thu 16.347 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 32,8% và tăng 29,5% so với cùng kỳ; bồi thường 5.074 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 31%. Bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt doanh thu 6.075 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12,2% và giảm 1,7% so với cùng kỳ; bồi thường 1.804 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 29,7% Bảo hiểm cháy nổ đạt doanh thu 6.988 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14% và tăng 25% so với cùng kỳ; bồi thường 1.391 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,9%. Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt doanh thu 5.205 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 10,5% và tăng 19% so với cùng kỳ; bồi thường 792 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 15,2%. Bảo hiểm cháy nổ tự nguyện đạt doanh thu 1.782 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 3,6% và tăng 46,9% so với cùng kỳ; bồi thường 599 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 33,6%. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 2.372 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,8% và tăng 17,4% so với cùng kỳ; bồi thường 457 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 19,3%. Bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt doanh thu 2.060 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,1% và tăng 11,7% so với cùng kỳ; bồi thường 764 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 37,1%…” |